Sự xê dịch - hiểu một cách phóng khoáng là sự dịch chuyển trong mọi không gian, dù lớn nhỏ hay xa gần, miễn là không gian mới; nó bồi đắp thêm kinh nghiệm sống, vốn văn hóa cho mỗi cá nhân. Với một người ham chủ nghĩa ấy như tôi, chuyến xê dịch tới đất nước được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới quả là một khởi đầu đầy cảm hứng cho năm 2018. Tôi đã xách va li lên và đi, để rồi 5 tháng sau đó mang về rất nhiều những cảm xúc và trải nghiệm không thể đong đếm hết được. Tôi là Hoàng Đàm Khánh, sinh viên Chương trình Tiên tiến K4 - Trường ĐH Mỏ - Địa chất, là một trong ba sinh viên có tên trong danh sách được cử đi học và thực tập ngắn hạn tại Na Uy theo học bổng của Dự án Norpart – Chương trình trao đổi và hợp tác về đào tạo được ký kết giữa trường Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) và Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong 5 tháng: từ 14/01/2018 đến 14/06/2018.
Có một điều khiến tôi tò mò trước khi đặt chân đến Na Uy, đó là: Vì sao một đất nước Bắc Âu, nơi có mùa đông dài và lạnh giá đến vậy lại luôn nằm top đầu trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Liên Hợp Quốc? 5 tháng được sống và học tập tại Trondheim – Na Uy, tôi đã dần nhận ra lời giải đáp.
.
Một di tích lịch sử ở thành phố Trondheim
Được gọi là thủ phủ công nghệ của Na Uy, thành phố Trondheim là một thiên đường cho những người nghiện công nghệ và là một giấc mơ lịch sử của người mê máy tính. Đây cũng là địa điểm tập hợp nhiểu trường đại học nổi tiếng, một trong số đó là trường Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) – nơi tôi đã theo học 5 tháng trong chuyến xê dịch của mình. Tại ngôi trường này, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với những người thầy, người cô, những người bạn mới rất thân thiện và nhiệt tình, được trải nghiệm một nền văn hóa cũng như ẩm thực vô cùng độc đáo.
Các bạn SV Trường ĐH Mỏ - Địa chất và SV Quốc tế trong một chuyến pinic
Người Na Uy vô cùng giản dị, giản dị từ cách ăn mặc, dù đi làm hay trong những bữa tiệc. Dường như duy chỉ có ngày Quốc khánh 17/05 hàng năm là dịp người Na Uy ăn mặc cầu kỳ nhất, với những bộ trang phục truyền thống có màu sắc nổi bật, có những hoạ tiết rực rỡ được thêu bằng tay, và những món đi kèm như giày, mũ, tất, thắt lưng, ví, đồ trang sức… Với đặc điểm khí hậu lạnh giá, mùa hè rất ngắn, cộng với những trang trại được xây dựng từ lâu đời, trên bàn ăn của người Na Uy luôn có các thực phẩm như cá, pho mát, các loại rau củ và trái cây vùng ôn đới. Trong 5 tháng ở tại Nauy, tôi may mắn được thưởng thức một số những món đặc sản ở nơi đây. Có thể kể đến như “lutefisk” – một món cá truyền thống được ngâm giấm, hay “farikal” – món thịt cừu được ăn kèm cùng bắp cải và hạt tiêu khô. Pho mai ở Na Uy cũng là một đặc sản khi công thức để tạo ra nó được làm từ sữa chua (Gammelost) hay sữa dê (Geitost – có màu nâu và vị tương tự như caramel).
Những đứa trẻ ăn mặc lịch sự trong ngày Quốc khánh của Nauy (17/5)
Trang phục truyền thống của phụ nữ Nauy mặc trong ngày Quốc khánh 17/5
5 tháng được trải nghiệm nền giáo dục và đào tạo của Na Uy là điều làm tôi ấn tượng nhất. Quốc gia này luôn gắn giáo dục với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, cùng yêu cầu thực tiễn và thế mạnh của họ, đồng thời hội nhập với quốc tế. Chiến lược giáo dục nghiên cứu rõ ràng, dài hạn, có phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp tốt, quản lý hiệu quả và được bàn bạc rộng rãi, công khai, được xã hội đồng thuận. Đây cũng là cơ hội để những sinh viên có ước mơ được học hỏi tại môi trường quốc tế như tôi cân nhắc và chọn lựa.
5 tháng học tập tại nơi xứ người cũng là cơ hội để tôi nhìn nhận và trân trọng gia đình của mình hơn. Có những ngày tự nhiên nhớ những món ăn mẹ nấu, hay những lúc chùn chân mỏi gối, tôi nhớ ra nhiều bài học bố đã từng dạy), và thấm thía vô cùng. 5 tháng xa nhà - một khoảng thời gian không quá dài, nhưng khi nghe bạn bè cũng là du học sinh giống như mình kể về thói quen viết bưu thiếp, thói quen gọi điện cho bố mẹ mỗi tuần, tôi nhận ra mình chưa hẳn là một người con quan tâm tới gia đình. Lần đầu tiên một đứa ham xê dịch như tôi lại đếm lui đến ngày hoàn thành kỳ học để được về Việt Nam với gia đình và cảm thấy những cuộc chuyện trò qua điện thoại, qua tin nhắn thật là không đủ.
Một số hình ảnh cuộc sống sinh viên: Cắt tóc cho một bạn sinh viên người Pháp; Các sinh viên đang đứng đợi xe bus để đi về; Khu giặt của ký tục xá; Một góc phòng ký túc xá
Tôi thích quan niệm “Cuộc đời là những chuyến đi”. Phải đi khi thời gian, sức trẻ chưa cản bước chân. Đi để mở rộng tầm mắt, tích lũy những trải nghiệm sống chỉ có trên các cung đường, để những chuyến đi lấp đầy lỗ hổng kiến thức, đem đến những người bạn hồn hậu, chân thành, để biết sống khiêm nhường và khao khát học hỏi, để khám phá bản thân với những ưu điểm cũng như giới hạn, để thấy cuộc sống vốn dĩ tươi đẹp và đáng sống, để thấy điểm đến là cần thiết nhưng quan trọng chính là nơi trở về.
Cảm ơn mái trường Đại học Mỏ - Địa chất, Chương trình Tiên tiến, cũng như dự án Norpart đã cho tôi trải nghiệm tuyệt vời này.