(GD&TĐ) - Sáng nay 5/4, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP. HCM.
Tại đây, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đi thực tế và nghe báo cáo về công tác đào tạo Chương trình tiên tiến (CTTT) ngành Khoa học máy tính của trường trong thời gian qua, xem xét những khó khăn, vướng mắc mà thầy trò của trường gặp phải trong quá trình triển khai CTTT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng SV trong buổi dự giờ CTTT ngành CNTT
Năm học 2010 - 2011 là năm thứ 5 trường ĐH KHTN TP. HCM triển khai đào tạo CTTT ngành CNTT, đây là Chương trình thuộc Đề án Đào tạo theo CTTT tại một số trường ĐH ở Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015.
Hiện nay trường ĐH KHTN TP. HCM là 1 trong 5 trường ĐH trong cả nước triển khai thành công đào tạo theo CTTT. Theo đó trường đã có 5 khóa đào tạo theo CTTT với số lượng SV theo học như sau: năm 2006 là 55 SV, năm 2007 là 102 SV, năm 2008 là 119 SV, năm 2009 là 133 SV, năm 2010 là 150 SV, năm 2011 là 150 SV.
Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy CTTT của trường đảm bảo theo yêu cầu, trong đó giảng viên Việt Nam tham gia giảng dạy chương trình là 28 người, giảng viên nước ngoài từ các trường ĐH danh tiếng của Mỹ, Pháp, Đức với số lượng 9 người. Đã có 17 lượt cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của trường được cử đi thực tập giảng dạy và nghiên cứu tại nước ngoài…
PGS. TS Dương Ái Phương- Hiệu trưởng trường ĐH KHTN cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề đổi mới cơ bản phương pháp dạy và học. Chính phương pháp dạy và học đóng vai trò rất lớn và chúng tôi làm được điều này ở CTTT. Hướng đến tính bền vững của CTTT, nhà trường cũng có xây dựng lộ trình nhằm phát triển bền vững CTTT trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy, học của CTTT
Nhằm nắm rõ tình hình dạy và học ở các lớp đang được triển khai theo CTTT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã đến dự giờ tại lớp học ngành CNTT với môn học Systems Programming.
Tại đây, đoàn công tác đã nghe thầy trò trong lớp cùng nhau thảo luận, trình bày nội dung môn học toàn bộ bằng tiếng Anh với nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực CNTT, có nhiều kiến thức, lượng thông tin khoa học được cập nhật mới nhất.
Đoàn công tác cũng tham quan cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập CTTT của trường và có cuộc gặp gỡ với giảng viên và SV đang theo học CTTT. Tại cuộc gặp gỡ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi hết sức cởi mở cùng giảng viên, SV nhà trường. Phó thủ tướng đã đề nghị SV, giảng viên CTTT cùng nhau trao đổi về những gì làm được, chưa được, vì sao SV chọn học CTTT? những thuận lợi, khó khăn khi theo học CTTT?...
Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo trường ĐH KHTN- ĐH Quốc gia TP. HCM
Trình bày ý kiến sau khi được học CTTT, nhiều SV đồng tình khi học CTTT SV sẽ được học và cập nhật nhiều kiến thức mới nhất và học được nhiều kỹ năng trong học tập và nghiên cứu khoa học. Học CTTT SV có được quyền lựa chọn trong học tập cũng như nghiên cứu sâu hơn về chuyên ngành mà mình được học.
SV Nguyên Hân, năm thứ 3 CTTT cho biết: “Đầu tiên gia đình, bạn bè khuyên bảo em không nên học ngành CNTT vì em là con gái, học ngành này không phù hợp cho nữ giới. Nhưng em quyết định theo học CTTT ngành này, qua 3 năm học em đạt được kết quả tốt, và sự lựa chọn của em là đúng đắn, chương trình đã cho em sự tự tin, tính quyết đoán và kiến thức vững vàng”.
Ngoài ra SV bày tỏ sự phấn khởi vì học CTTT còn được tiếp cận nhiều giảng viên trình độ cao đến từ các trường ĐH lớn của nước ngoài tham gia giảng dạy. Tiếp cận nguồn tài liệu phong phú và cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ…
Tuy nhiên nhiều SV bày tỏ những khó khăn, vướng mắc khi học CTTT như: học bổng dành cho SV theo CTTT còn ít, mức đầu tư cho SV nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Vấn đề hỗ trợ vay vốn học tập còn gặp nhiều khó khăn vì SV CTTT thường đóng học phí cao mà vốn vay lại ít. Nhiều SV bày tỏ nguyện vọng được tổ chức để giao lưu, học tập cùng SV CTTT ở trong và ngoài nước,…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, kết quả ban đầu của CTTT đã đạt được kết quả rất thiết thực, mang lại luồng gió mới cho giáo dục ĐH Việt Nam.
Để đầu tư cho CTTT hiện nay tính bình quân cho mỗi SV là 50 triệu đồng/năm. Đây là mức đầu tư khá lớn với mong muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường ĐH KHTN TP. HCM là 1 trong 5 trường ĐH trong cả nước áp dụng hiệu quả nhất trong đào tạo CTTT…
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì điều đáng quan tâm hiện nay là số lượng SV theo học CTTT hằng năm có xu hướng giảm. Có một bộ phận SV còn tâm lý ngại khó, sợ vào học CTTT khó quá không học nỗi nên chưa mạnh dạn lựa chọn theo học chương trình này…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận những nỗ lực đào tạo CTTT của trường ĐH KHTN TP. HCM trong thời gian 4 năm qua. Nhà trường đã có sự đầu tư, có sự liên kết tốt với các trường nước ngoài, đã đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có năng lực, được người sử dụng lao động đánh giá cao.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới cần có đánh giá, phân nhóm các trường đang thực hiện CTTT. Từ đó có lộ trình giúp các trường củng cố tuyển sinh đầu vào cũng như có hướng phát triển trong tương lai. Cần phải thống kê kỹ hơn về việc làm của SV CTTT sau khi ra trường. Song song đó cần có giai đoạn đánh giá trong đổi mới cơ chế tài chính của chương trình và chú ý đến CTTT bậc sau ĐH, xem cần phải mở ngành nào để từ đó có lộ trình rõ ràng, thích hợp…
Nguyễn Quốc Ngữ