Học công nghệ chế biến “vàng đen” của Mỹ ở Việt Nam

04/08/2015

Việc học tập trong môi trường hiện đại, dưới sự giảng dạy của các giáo sư đến từ Mỹ là một trong những giải pháp tốt giúp sinh viên Lọc - Hóa dầu của...

Việc học tập trong môi trường hiện đại, dưới sự giảng dạy của các giáo sư đến từ Mỹ là một trong những giải pháp tốt giúp sinh viên Lọc - Hóa dầu của Trường Đại học Mỏ - Địa chất khắc phục được những điểm yếu cố hữu qua đó mở rộng triển vọng về nghề nghiệp mà không cần phải đầu tư quá nhiều tiền bạc cho việc du học ở các nước tiên tiến trên thế giới.
 

Lọc - Hóa dầu, ngành đầy triển vọng

Dầu mỏ là một trong những tài nguyên quan trọng nhất của xã hội loài người hiện đại đến mức nó thường được ví như là "vàng đen". Tuy nhiên, để nguyên liệu quý giá này trở nên hữu dụng, cần phải có bàn tay, khối óc của các kỹ sư Lọc - Hóa dầu. Vậy nên, chẳng quá khi nói rằng các kỹ sư Lọc - Hóa dầu có thể thay đổi thế giới. Họ chính là những người trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách tạo ra sản phẩm thiết yếu (xăng, dầu diesel, dầu bôi trơn, nhựa, phân đạm,…), giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tạo ra các sản phẩm tái tạo,...

Những người trực tiếp chế biến "vàng đen" luôn kiếm tiền nhiều hơn các kỹ sư hay những nhà khoa học thuần túy khác. Lương trung bình của kỹ sư Lọc - Hóa dầu tăng khoảng 30% hàng năm.

 

Học công nghệ chế biến “vàng đen” của Mỹ ở Việt Nam - 1
Theo giáo sư Brian G. Higgins, Đại học California Davis của Mỹ, Lọc - Hóa dầu là ngành rất triển vọng, đặc biệt tại Việt Nam.

Ngoài vấn đề thu nhập, ngành Lọc - Hóa dầu còn thu hút sự quan tâm lớn của các bạn trẻ khắp thế giới bởi đây là ngành hợp xu thế phát triển, lại có cơ hội làm việc trong môi trường tự động hóa với các loại máy móc tối tân và có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn bè quốc tế, các chuyên gia nước ngoài để mở mang kiến thức, tầm hiểu biết…

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu dầu thô. Riêng về lĩnh vực Lọc - Hóa dầu, Việt Nam xác định đây là ngành công nghiệp mũi nhọn có vai trò nền tảng với những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của nền kinh tế và xã hội. Sự phát triển của ngành này sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, bình ổn giá cả trong các trường hợp cần thiết, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài đồng thời góp phần giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Giáo sư Brian G. Higgins, Đại học California Davis (UC Davis) của Mỹ, một người có thời gian dài đến Việt Nam giảng dạy nhận định: “Theo dự báo, các ngành kỹ thuật như Kỹ thuật Hóa học hay Kỹ thuật Lọc - Hóa dầu sẽ là những ngành cần nguồn nhân lực rất nhiều trong thời gian tới. Việt Nam sẽ phải tập trung phát triển các lĩnh vực chế biến dầu mỏ, khí đốt và năng lượng bền vững, do nhu cầu về năng lượng sẽ tăng cao đối với một nước đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam. Thế nên, Lọc - Hóa dầu sẽ là ngành rất triển vọng trong thời gian tới”.

Học công nghệ chế biến “vàng đen” với giáo sư Mỹ

Ngành Lọc - Hóa dầu ở Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng. Cơ hội để có được việc làm thu nhập cao, môi trường làm việc tốt là rất nhiều. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội đó là điều không dễ bởi lẽ các sinh viên Việt Nam hiện thiếu những kỹ năng quan trọng.

 

Học công nghệ chế biến “vàng đen” của Mỹ ở Việt Nam - 2Trong Chương trình tiên tiến đào tạo kỹ sư ngành Lọc – Hóa dầu, sinh viên sẽ được học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

“Sinh viên Việt Nam có nhiều ưu điểm và thể hiện rất tốt trong quá trình học tập đặc biệt là khả năng tư duy và phát triển ý tưởng theo hướng mở. Tuy nhiên, họ lại thiếu nhiều kỹ năng thực hành và khả năng về ngoại ngữ chưa tốt”, Giáo sư Brian G. Higgins nhận xét.

Chính vì vậy, sự ra đời của Chương trình tiên tiến đào tạo kỹ sư ngành Lọc - Hóa dầu bằng tiếng Anh sử dụng chương trình đào tạo của UC Davis (nằm trong top 40 trường đại học hàng đầu thế giới) tại Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội đã và đang là một trong những giải pháp tốt giúp sinh viên Việt Nam khắc phục được những điểm yếu cố hữu, cũng như có nhiều cơ hội nghề nghiệp mà không cần phải đầu tư quá nhiều tiền bạc cho việc du học ở các nước tiên tiến trên thế giới.

 

Trong Chương trình tiên tiến đào tạo kỹ sư ngành Lọc – Hóa dầu, sinh viên sẽ được học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh với chương trình học hiện đại gồm các môn học như các sinh viên cùng chuyên ngành đang học tại Đại học UC Davis, Mỹ. Việc trau dồi tiếng Anh thường xuyên khi tiếp xúc với các giáo sư đến từ Mỹ là một phương pháp tự nhiên song song với các kiến thức chuyên ngành, thay vì học từ các khóa ngắn hạn.

Nguyễn Phúc Sơn, sinh viên lớp năm thứ 4 Chương trình tiên tiến chia sẻ: “Việc học tập trong một môi trường hiện đại, được học chủ yếu với các giáo sư đến từ Mỹ giúp chúng em cảm thấy hứng thú hơn. Ban đầu em cũng e ngại việc tiếng Anh của mình chưa thực sự tốt, tuy nhiên sau một năm được bồi dưỡng tiếng Anh với người bản ngữ với sự hỗ trợ rất nhiều về học phí của chương trình, em đã cảm thấy tự tin hơn hẳn. Việc nghe hiểu và giao tiếp tiếng Anh với em hiện nay không còn là một trở ngại nữa.”

Học công nghệ chế biến “vàng đen” của Mỹ ở Việt Nam - 3


Các môn học trong Chương trình tiên tiến đào tạo kỹ sư ngành Lọc – Hóa dầu tương tự như ở Đại học UC Davis, Mỹ

Với vốn tiếng Anh tốt và được đào tạo bài bản, sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty dầu khí trong và ngoài nước.

Hiện tại, nhiều bạn học năm thứ 4 của Chương trình tiên tiến đã nhận được học bổng khóa thực tập hè tại Baker Hughes - một trong những công ty lớn nhất thế giới hoạt động về lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Đây là niềm mơ ước của rất nhiều bạn sinh viên học về chuyên ngành Lọc - Hóa dầu.

Trong tháng 6.2014, toàn bộ sinh viên năm thứ 4 Chương trình tiên tiến đã được thực tập tại LQ VnConsulting, một công ty danh tiếng trong lĩnh vực mô phỏng công nghệ các dự án lọc dầu. Bên cạnh đó, sinh viên Chương trình tiên tiến sẽ có những cơ hội nhận học bổng khuyến học của nhà trường và rất nhiều học bổng có giá trị từ các đơn vị, tổ chức bên ngoài như học bổng PVN, SPE, PERENCO, PVEP, SHINNYO, ATLAS COPCO, TNK,...

Với sự hợp tác đặc biệt giữa Đại học Mỏ - Địa chất và UC Davis, sinh viên Chương trình tiên tiến sẽ có cơ hội sang UC Davis học 2 năm cuối để hoàn thành chương trình đại học (với mức học phí giảm tới 50% học phí) và tiếp tục học cao học để nhận bằng thạc sĩ do UC Davis cấp. Em Đặng Đình Phan, đang học năm thứ 3 Chương trình tiên tiến là một trong những sinh viên chuẩn bị sang UC Davis để học theo chương trình 3 cộng 2 nói trên, chia sẻ: “Đây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng em để mở rộng cánh cửa cho ước mơ du học Mỹ.”

Có thể nói, sự ra đời của Chương trình tiên tiến là một trong những bước tiến lớn đối với Bộ môn Lọc Hóa dầu, Đại học Mỏ - Địa chất trong đào tạo nguồn sinh viên chất lượng cao. Mô hình đào tạo của Chương trình tiên tiến sẽ tiếp tục được Đại học Mỏ - Địa chất, bộ môn Lọc - Hóa dầu đầu tư và nhân rộng trong thời gian tới.

Các thông tin về tuyển sinh cho Chương trình trong năm 2015:

- Đối tượng và điều kiện dự tuyển:

+ Thí sinh thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia tại các cụm thi trên cả nước do các trường đại học chủ trì, tối thiểu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: 15,0 điểm cho các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (Toán, Lý, Hóa; hoặc Toán, Lý, Anh); hoặc sinh viên đang theo học tại trường Đai Học Mỏ- Địa chất

Phương thức tuyển sinh

+ Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 của các thi sinh dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì; 

+ Kiểm tra tiếng Anh: theo dạng thi TOEIC: Ngữ pháp (Grammar), Đọc (Reading), Viết (Writing), và Phỏng vấn (Interview). Thí sinh có chứng chỉ TOEFL 450 điểm trở lên  hoặc các chứng chỉ khác tương đương ((TOEIC 450; TOEFL IBT 46) sẽ được miễn thi tiếng Anh.

- Dự kiến phỏng vấn và kiểm tra tiếng Anh: Đợt 1 ngày: 03/09/2015  và Đợt 2 ngày: 1/10/2015. Thí sinh không đạt Đợt 1 có thể đăng ký thi Đợt 2

- Thời gian đào tạo: 5 năm

- Học phí: Nhà trường hỗ trợ 75% chi phí đào tạo, sinh viên đóng 25% chi phí đào tạo (năm học 2014 - 2015: ~ 20 triệu/năm)

- Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ và lệ phí xét tuyển:

+ Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển

Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển ĐỢT 1 từ ngày 01/08/2015 đến hết ngày 20/08/2015

(Sáng từ 8h00 đến 12h00, buổi chiều từ 13h đến 17h00, kể cả Thứ bảy và Chủ nhật).

Thí sinh có thể nộp trực tiếp tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất hoặc gửi qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh (những thí sinh gửi qua đường bưu điện, thời gian nộp hồ sơ được tính là ngày gửi theo dấu bưu điện).

 Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển ĐỢT 2: Căn cứ vào kết quả xét tuyển đợt 1, Nhà trường sẽ có thông báo sau ngày 20/08/2015

Thí sinh cần tư vấn trực tiếp có thể đăng ký trực tuyến tại đây
 
K.B.S