Hành trình Erasmus+: Nhìn ra thế giới

26/12/2017

Là một sinh viên thuộc Chương trình tiên tiến được lựa chọn tham gia chương trình học trao đổi Erasmus+ tại trường Đại học khoa học và công nghệ AGH, Balan năm học 2017 - 2018, xin được chia sẻ cùng các bạn những trải nghiệm của tôi trong hành trình Erasmus+ này. Sinh viên Ngô Văn Hiếu - CTTT K5.

Được đến châu Âu là ước mơ không chỉ của riêng mình mà còn là ước mơ của rất nhiều người, và thật may mắn mình đã thực hiện được ước mơ đó khi được chọn tham gia vào chương trình trao đổi Erasmus+ dưới sự tài trợ của liên minh châu Âu (EU). Điểm đến của mình là trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH, một ngôi trường có bề dày lịch sử 100 năm. Hơn nữa, ngôi trường còn được đặt tại Krakow, cố đô của Ba Lan hay còn được coi là thủ đô tinh thần đối với nhiều người Ba Lan. Krakow cũng được xếp là trung tâm văn hóa của châu Âu, thành phố văn học UNESCO.

Năm học 2017 - 2018, nhóm sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất tham gia chương trình Erasmus+ gồm có:

  1. Vũ Thị Thu Hà - Chương trình tiên tiến K4
  2. Phạm Thị Hồng Nhung - Chương trình tiên tiến K4
  3. Ngô Văn Hiếu - Chương trình tiên tiến K5
  4. Nguyễn Huệ Quỳnh - Địa Chất K58
  5. Bạch Hải Cương - Địa vật lý K59
  6. Lê Thanh Nhàn - Địa chất Dầu khí K60

 

Quảng trường chính (Main square) tại Krakow

 

Cổng chính trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH

 

Với chương trình Erasmus+, đối tác của trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH ở Việt Nam là trường Đại học Mỏ - Địa chất và trường Đại học Bình Dương (trong đó trường Đại học Mỏ - Địa chất là đối tác chính). Các bạn có thể đọc thêm bài của bạn Nguyễn Thành Công – sinh viên lớp Chương trình tiên tiến K5 (Tham gia chương trình trao đổi Erasmus+ năm đầu tiên: từ tháng 9/2016 tới tháng 3/2017) để hiểu rõ hơn về chương trình tại: http://adprog.humg.edu.vn/tin-tuc/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=6570

Dù mới sang đây được hơn hai tháng nhưng chuyến tham gia trao đổi sinh viên này đã đem lại rất nhiều trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ trong mình. Trong bài viết này mình sẽ kể lại những trải nghiệm đó dưới góc nhìn của mình.

Những thuận lợi

  • Đầu tiên phải kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình của nhóm Mentor thuộc mạng lưới ESN (Tổ chức sinh viên Quốc tế với lịch sử 30 năm), khi nhóm mình tới sân bay Krakow thì đã là 11h30 đêm nhưng các bạn ấy vẫn chờ ở đó, đưa về tận ký túc xá và hoàn tất những thủ tục đầu tiên. Những ngày sau đó các bạn còn dẫn đi thăm các phòng ban trong trường như CIS, phòng hợp tác quốc tế... rồi dẫn đi khám phá những địa điểm nổi tiếng ở Krakow nữa.
  • ESN cũng tổ chức những sự kiện, chuyến đi tới những địa danh nổi tiếng ở Krakow, Ba Lan hay thậm chí các nước châu Âu khác nhằm giới thiệu cũng như tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được giao lưu văn hóa giữa các nước khác nhau.

 

Cùng với bạn Aga tại cung điện Wawel

 

Bữa tiệc Giáng sinh tại AGH: Chúng mình được học những điệu nhảy truyền thống của Ba Lan, những bài hát về Giáng sinh bằng tiếng Ba Lan và thưởng thức ẩm thực dành cho dịp Giáng sinh.

 

  • Tiếp đó là sự hỗ trợ của anh chị em sinh viên, nghiên cứu sinh trong Hội sinh viên Việt Nam ở Krakow trong những ngày đầu mình còn bỡ ngỡ tới đây (Đặc biệt phải kể đến anh Nguyễn Việt Thắng, anh Dương Văn Hào, anh Phan Tuấn Anh, em Phan Lan Uyên...). Các anh chị em đã hướng dẫn chúng mình những điều quan trọng trong thời gian sống ở đây, những địa điểm mua sắm cần thiết. Ngoài ra, anh chị em trong hội còn tổ chức những buổi gặp gỡ hay những sự kiện như Noel, Tết... khiến mọi người luôn cảm thấy vui vẻ và ấm áp trong những ngày tháng xa nhà.

 

Tới thăm chợ người Việt ở Krakow

 

  • Rồi trong quá trình nhóm mình tới làm các thủ tục liên quan đến môn học hay các thủ tục khác đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các thầy cô trong trường. Mình còn cảm nhận được sự ưu ái của các thầy cô đối với nhóm sinh viên Việt Nam nữa: Nhóm mình được đón tiếp riêng tại phòng CIS (Phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế) hay được mời dùng bữa riêng với thầy Phó hiệu trưởng, Giáo sư Jerzy Lis ...

 

Ăn tối với thầy Phó hiệu trưởng, Giáo sư Jerzy Lis

     

Những khó khăn...

  • Ẩm thực: Lúc mới sang nhóm mình cũng chưa quen với đồ ăn cũng như phong cách ăn uống bên này, may mắn là mọi người đều mang một chút đồ dự trữ từ Việt Nam sang. Rồi dần dần mọi người cũng thích nghi mặc dù đôi lúc mọi người rất nhớ món ăn Việt (có lần nhóm mình đi tận 40 phút ra chợ Việt ở Krakow để ăn Phở).
  • Giao tiếp hàng ngày: Ở Ba Lan không phải ai cũng nói được tiếng Anh, kể cả trong khu đại học nên chúng mình phải học những câu giao tiếp cơ bản tiếng Ba Lan. Ngoài ra những sản phẩm của họ cũng rất đa dạng và phong phú nhưng hoàn toàn bằng tiếng Ba Lan nên nếu không cẩn thận rất dễ mua nhầm đồ. Trong trường hợp đó, các bạn có thể hỏi những người trẻ cũng đi mua hàng, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ các bạn.
  • Sự khác biệt văn hóa: Không chỉ là sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây mà thậm chí giữa các quốc gia trong châu Âu cũng khác biệt nữa. Vì vậy nên trước khi sang đây mọi người cũng nên trang bị những hiểu biết về văn hóa phương Tây cũng như có một thái độ cởi mở với sự khác biệt về văn hóa đó.
  • Về học tập: Đối với chương trình Erasmus+, các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng nói tiếng Anh dễ nghe và dễ hiểu nên mình sẽ phải tự đọc thêm tài liệu rất nhiều. Lúc này mình mới thấy may mắn vì mình học Chương trình tiên tiến giúp mình làm quen với việc đọc tài liệu tiếng Anh thường xuyên và tóm tắt chúng. Đặc biệt mình học môn “Energy and Environment” có rất nhiều khái niệm mới, các thầy cũng đi rất nhanh nữa. Sau hai buổi học thì chúng mình đã có bài kiểm tra đầu tiên, có rất nhiều bạn sinh viên đến từ các nước phương Tây bị trượt trong kỳ thi đó. Ngoài ra, các bạn cũng phải làm quen với việc thuyết trình tiếng Anh, thầy sẽ cho hơn một tuần để chuẩn bị: bao gồm đọc tài liệu (Thầy sẽ gửi vào hôm giao chủ đề), tóm tắt, trình bày slide... Trong buổi thuyết trình, mọi người bắt buộc phải đặt câu hỏi cho các nhóm khác trong buổi thuyết trình đó vậy nên mình cũng phải đọc thêm cả tài liệu của các nhóm bạn nữa.

Bên cạnh đó còn kể đến sự khác nhau giữa phương pháp học tập của các nhóm sinh viên khác nhau. Mình có tham gia làm thí nghiệm với các nhóm sinh viên đến từ các nước khác nhau và mỗi nhóm sẽ có phương pháp trình bày khác nhau nên trong quá trình làm việc nhóm, mọi người phải cùng thảo luận, thống nhất và làm bài. Đây cũng là lúc mà mình học được nhiều trong sự đa dạng về tư duy từ các bạn đến từ các quốc gia khác nhau.

Và những trải nghiệm

Điều thú vị đầu tiên là được gặp lại những người bạn Ba Lan ở đây: Michal và Martyna. Sau đó, Michal có mời nhóm mình về thăm gia đình bạn ấy ở Katowice trong 3 ngày. Trong thời gian đó, mình được trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người Ba Lan trong các dịp khác nhau, cuộc sống hàng ngày, đi thăm những địa điểm đặc biệt ở Katowice... Đặc biệt, chuyến đi thực tế tới nhà máy bia Tyskie - một hãng bia có truyền thống hơn 600 năm ở Ba Lan, tới mỏ than ở Katowice (Ngành công nghiệp truyền thống ở đây) đã đem lại cho mình rất nhiều kiến thức mới và bổ ích liên quan trực tiếp tới ngành mình học.

 

Tìm hiểu các công đoạn sản xuất bia

 

Thưởng thức những cốc bia tươi ngon

 

Trải nghiệm thực tế dưới mỏ than

 

Đến thăm gia đình của Michal

 

  • Có một điều may mắn là nhóm mình sang vào đúng dịp tổ chức Hội nghị Pol-Viet lần thứ tư về khoa học Đất. Trong quá trình tham gia Hội nghị, được tiếp xúc với các thầy, cô, nhóm đã học được rất nhiều từ những chia sẻ kinh nghiệm cũng như qua những bài thuyết trình của các thầy, cô.

 

Nhóm sinh viên Chương trình tiên tiến chụp ảnh với cô Vũ Kim Thư - Phó chánh Văn phòng Chương trình tiên tiến tại Hội nghị khoa học Đất (Pol-Viet) lần thứ 4

 

Chuyến đi đầy ấn tượng tới Zakopane (Chụp tại đỉnh Kasprowy)

 

  • Khám phá châu Âu: Ngoài thời gian học, nhóm mình cũng có những trải nghiệm thú vị khi tới thăm các nước châu Âu khác trong khối Schengen. Ngắm cảnh quan, quan sát những sinh hoạt cũng như lối sống của họ, tự mình phải vận động, làm quen với sự khác nhau ở mỗi quốc gia... Vì vậy, qua mỗi chuyến đi, mình thấy các thành viên trong nhóm cũng thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều.

 

Bảo tàng công nghiệp DASA tại Dortmund, nơi chúng mình hiểu thêm được rất nhiều về lịch sử phát triển công nghiệp tại Đức

 

Tòa nhà Quốc hội (Parliament House) tại Budapest - Hungary

 

 Vậy chúng ta cần chuẩn bị những gì trước khi sang Ba Lan?

  • Chúng ta cần chuẩn bị những hiểu biết về văn hóa, lịch sử của đất nước họ cũng như cả của Việt Nam.
  • Một nền tảng kiến thức tốt, đặc biệt là khả năng tiếng Anh để hòa nhập nhanh và tốt hơn với mọi người cũng như thu nhận được nhiều nhất từ chương trình này.
  • Liên lạc trước với Mentor cũng như anh chị em trong Hội sinh viên Việt Nam tại Krakow để có được những sự hỗ trợ cần thiết khi mới sang.

Chương trình trao đổi Erasmus+ là một cơ hội tuyệt vời giúp các bạn không chỉ thực hiện được ước mơ sang châu Âu mà còn là hành trình khám phá thế giới, khám phá cả bản thân mình nữa. Và điểm đến Krakow, Ba Lan là nơi thích hợp nhất để các bạn bắt đầu hành trình đó.

                                                                                              Người viết: SV. Ngô Văn Hiếu – CTTT K5