Hành trình đi để trở về - Tô Hữu Thăng sinh viên Chương trình tiên tiến khóa 3

16/03/2017

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ!

Khi chiếc máy bay của hãng hàng không Quatar Airways hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào lúc 16h00 ngày 02/03/2017 cũng là lúc hành trình đi học và trải nghiệm 5 tháng tại Ba Lan chính thức kết thúc đối với tôi. Trong chuyến đi này, bên cạnh việc khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng, thưởng thức các món ăn cũng như các trải nghiệm văn hóa ở Ba Lan, tôi còn học hỏi được rất nhiều từ quá trình học tập, sinh hoạt cùng các bạn sinh viên quốc tế đến từ các nước trên toàn thế giới.

 

Thành phố biển Piran-Slovenia

 Thành phố biển Sopot - Ba Lan

Theo nội dung chương trình Erasmus+, mỗi bạn sinh viên sẽ được lựa chọn các môn học phù hợp với chuyên ngành của mình và được trực tiếp giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu của trường Đại học khoa học và công nghệ AGH. Với cá nhân tôi, tôi lựa chọn những môn học phục vụ chuyên ngành của mình như Nhiệt động học, Vật liệu và công nghệ Nano, Xác suất thống kê và xử lí số liệu,…Nhờ vậy mà tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau của các thầy cũng như là được trực tiếp vận hành những máy móc hiện đại trong các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn châu Âu. Các thầy luôn kết hợp lí thuyết với ứng dụng, thực hành hay mô hình trực quan nên các môn học không khô khan mà còn rất sinh động ngay kể cả với môn xác suất thống kê và xử lí số liệu. Bên cạnh việc học các môn chuyên ngành, tôi còn lựa chọn cho mình môn quản trị văn hóa để hiểu thêm về văn hóa các nước trên thế giới để mình có cách ứng xử cho phù hợp và đặc biệt là không phán xét lẫn nhau khi mình tiếp xúc với các bạn đến từ nền văn hóa khác.

 

Giờ học xác suất thống kê và xử lí số liệu cùng giáo sư Lenda

Giờ học công nghệ và vật liệu Nano cùng giáo sư Olexandra

Trong quá trình học tập, bản thân tôi nhận thấy khả năng học hỏi, thể hiện bản thân của các bạn sinh viên trong đoàn Việt Nam không thua kém gì các bạn sinh viên từ các nước khác đặc biệt có phần nhỉnh hơn ở các môn khoa học tự nhiên nhưng điều mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất và khác biệt nhất từ các bạn sinh viên quốc tế đó chính là thái độ sống.

Các bạn sinh viên quốc tế khá năng động, tham gia hết mình hầu hết các lĩnh vực của đời sống sinh viên từ việc tham gia ban nhạc để biểu diễn những sự kiện quan trọng cho đến việc gây quỹ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy tham gia nhiều hoạt động như vậy nhưng khi ngồi vào bàn học hay đến lớp, họ cũng học hết mình mà không tỏ ra mệt mỏi hay mất tập trung. Thậm chí đến kì kiểm tra hết môn, cậu bạn cùng phòng kí túc xá với tôi còn nốt lại những câu chưa hiểu trong đề cương của thầy cho để cậu ấy sẽ hỏi thầy để hiểu sâu nhất có thể về môn mình đang học.

 

 Erasmus Student Network tổ chức giáng sinh cho các bé ở trường mẫu giáo

Buổi biểu diễn âm nhạc đường phố của các bạn sinh viên quốc tế

Qua trò chuyện với các bạn, tôi thấy được sự khác biệt đó bắt đầu từ trong quá trình các bạn ấy trưởng thành. Ngay từ khi còn nhỏ, các bạn đã được tập ngủ riêng, tập ra quyết định cho chính mình trong các sở thích cá nhân, môn học,... Bố mẹ các bạn chỉ định hướng cho các bạn chứ không quyết định thay con. Vì vậy qua những lần tự mình quyết định và có đôi lúc phạm phải sai lầm, các bạn hiểu thêm về bản thân mình hơn, điểm mạnh, điểm yếu của chính mình và điều quan trọng hơn hết là bản thân mình sẽ là người hoàn toàn chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Vì vậy đến khi tốt nghiệp cấp 3, khi mỗi bạn có ít nhất 2 sự lựa chọn: một là đi học nghề 2 năm hoặc đi học lên đại học. Các bạn đều hiểu là mỗi lựa chọn thì đều có sự đánh đổi riêng và quan trọng hơn nữa là phải phù hợp với bản thân mình. Vì vậy nên có bạn chọn nghề, có bạn chọn học đại học nhưng dù là lựa chọn làm gì đi nữa thì các bạn đều sống hết mình với nó, đều cảm thấy vui vẻ, hào hứng khi làm điều mình đã lựa chọn.

Điều còn làm tôi khá ngạc nhiên nữa là trong các lớp tôi học, đa phần các bạn đều hơn tuổi tôi. Khi nghe các bạn chia sẻ, tôi phát hiện ra là đa phần các bạn sau khi tốt nghiệp cấp 3, có bạn lựa chọn đi học nghề 2 năm hoặc ra nước ngoài tích lũy kinh nghiệm sống rồi sau đó mới quay trở lại học đại học và lựa chọn chuyên ngành mà mình thấy mình có thế mạnh hoặc đam mê nhất. Đây chính là tinh thần sống “You live only once” mà tôi cảm nhận được rất rõ từ các bạn.

Điều khiến bản thân tôi cảm thấy hổ thẹn vì nếu coi cuộc sống là một trò chơi thì tôi thấy các bạn sinh viên quốc tế đang chơi để thắng còn bản thân tôi thì đang chơi để không bị thua khi trong một số bài kiểm tra, tôi chỉ mong đủ điểm để qua mà không nỗ lực học hỏi cho chính bản thân mình.

Một trong những trải nghiệm sâu sắc nữa tôi không thể nào quên được khi ở Ba Lan đó là được đến tham trại diệt chủng của Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ 2, nơi đã thảm sát hàng triệu người Do Thái và được đọc hồi kí “Đi tìm lẽ sống” của Victor Frankl, một trong những người tù nhân của trại sống sót khỏi nạn diệt chủng. Một trong những lí do khiến ông sống sót và trở về đó chính là gia đình của ông, ông luôn khát khao được đoàn tụ với gia đình mình. Điều đó giúp ông có động lực mạnh mẽ để vượt qua những điều tồi tệ nhất trong trại tập trung. Từ đó ông liên hệ đến việc ngày nay có một bộ phận những người trẻ trên thế  giới tự cho mình là một thế hệ “không có tương lai”, những người có đủ điều kiện để sống nhưng không có lý do để sống; họ có phương tiện sống nhưng không có mục đích sống. Chắc chắn rằng một số người thậm chí còn không có cả phương tiện sống.

 

Trại tập trung Auschwits nhìn từ xa

Hàng trăm ngàn đôi giày của các nạn nhân người Do Thái còn sót lại sau thảm họa diệt chủng

Trở lại với những ngày sinh sống và học tập tại Ba Lan, tôi rất tích cực ra bên ngoài để ngắm đường phố và cách mà xã hội vận hành. Đi đâu tôi cũng gặp rất nhiều người phải đi xe lăn hoặc bị mù phải chống gậy đi lại trên đường phố. Điều này tôi cảm thấy rất kì và luôn thắc mắc hỏi tại sao chiến tranh đã qua lâu rồi mà ở đây vẫn còn nhiều người khuyết tật đến vậy. Tôi đem câu hỏi này hỏi một người bạn Ba Lan thì bạn chỉ cười mà đáp lại rằng: “Sở dĩ bạn nhìn thấy nhiều người khuyết tật ở đây là do chúng tôi coi trọng việc bình đẳng cho tất cả mọi người nên hệ thống xe bus và đường phố được thiết kế làm sao để người khuyết tật vẫn có thể tham gia giao thông. Còn ở nước bạn có lẽ người khuyết tật không được ra đường!”. Câu trả lời của người bạn khiến tôi giật mình. Đúng là ở nước ta, người khuyết tật chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng. Ở đâu đó họ vẫn phải vất vả lo việc mưu sinh và những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Chưa kể chiến tranh đã qua đi được 42 năm nhưng hơn 4 triệu người Việt Nam vẫn còn phải chịu di chứng từ chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến. Mới đây những vụ việc về môi trường nghiêm trọng cũng đã xảy ra như việc Formusa lén xả thải ra biển ở miền Trung khiến hàng triệu ngư dân điêu đứng, hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đất nước chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần thế hệ trẻ chúng ta giải quyết. Sẽ không công bằng với họ khi chúng ta, những người trẻ được hưởng tự do và độc lập ngày hôm nay, được hưởng môi trường sống tốt hơn, được trang bị kiến thức và đầy đủ kĩ năng lại không dám dấn thân để duy trì và phát triển những điều tốt đẹp này cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

 

Description: Kết quả hình ảnh cho formosa

Ngư dân thẫn thờ trước thảm họa cá chết hàng loạt do chất xả thải từ Formosa

Thế giới đang ngày càng phẳng. Các đường biên giới đang hẹp lại. Cơ hội đi ra bên ngoài để học hỏi ngày càng nhiều đặc biệt là với sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất nói chung và sinh viên Chương trình tiến tiến nói riêng. Vì vậy các bạn hãy nắm lấy những cơ hội này nhiều hơn bởi vì trong một môi trường hoàn toàn mới, văn hóa khác biệt, các bạn sẽ hiểu thêm nhiều về bản thân mình: Mình là ai? Mình có thế mạnh gì? Điểm yếu của mình là gì?,…Và cuối cùng là mình có thể thấy cơ hội gì ở nơi đây? điều gì mà họ có mà nước mình chưa có? Mình có thể đóng góp vào giải quyết vấn đề nào của đất nước hiện nay?

Càng đi tôi càng thấy nước mình còn nghèo còn nhiều điều cần giải quyết nhưng tôi tin cuộc sống của người trẻ Việt Nam sẽ trở nên ý nghĩa hơn, giá trị hơn, có mục đích sống hơn khi chúng ta cùng nhau nỗ lực để nền kinh tế, công nghiệp Việt Nam sẽ do người Việt Nam làm chủ; thay vì để các tổ chức kinh tế nước ngoài lựa chọn các lợi ích kinh tế không phục vụ trực tiếp lợi ích của người Việt Nam, chúng ta có quyền lựa chọn biển, các giá trị tốt đẹp và bền vững cho thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.

  Hà Nội, ngày 15/03/2017

Tô Hữu Thăng – SV CTTT K3

(Chương trình tiên tiến)